Bệnh vẹo cột sống ở trẻ nhỏ mẹ cần nên biết để phòng tránh cho con

Hiên nay, căn bệnh vẹo cột sống rất nhiều. Nguyên nhân là do ngồi học không đúng cách, do vác nặng quá sức.. Bệnh vẹo cột sống rất nguy hiểm nếu không được phát hiện kịp thời ở trẻ nhỏ, Dưới đây là những dấu hiệu, nguyên nhân, cách phóng chống bệnh vẹo cột sống mọi người cần biết để phòng tránh cho con nhé.

Dấu hiệu nhận biết bệnh vẹo cột sống

Bình thường cột sống của trẻ thẳng hàng khi nhìn từ cổ xuống lưng và thắt lưng. Nhìn ngang, cột sống hơi cong ở lưng và ưỡn bình thường ở thắt lưng. Nếu bị tật vẹo cột sống, nhìn phía sau khi trẻ đứng thẳng sẽ thấy vai xệ một bên, lồng ngực nhô lên một bên, có thể kèm theo vùng hông – thắt lưng nhô phía bên kia; xương chậu và háng cao hơn bên kia; cột sống lệch sang bên. Cho trẻ cúi thắt lưng, nhìn phía sau sẽ thấy rõ lồng ngực hay hông thắt lưng nhô lên một hay hai bên.

Đối với người bị vẹo cột sống, nếu nhìn từ phía sau sẽ thấy:

  • Hai vai không đều, một bên xương bả vai sẽ cao hơn bên còn lại
  • Vòng eo không đều
  • Một bên hông cao hơn bên kia
  • Cột sống có hình chữ C khi đỉnh đường cong của cột sống hướng về bên trái
  • Cột sống có hình Ɔ (chữ C ngược) khi đỉnh đường cong cột sống hướng về bên phải
  • Cột sống có hình chữ S hoặc S ngược: Nếu cột sống có hai cung uốn cong đối xứng nhau.

 

Ngoài các dấu hiệu nhận biết trên, để xác định chính xác tình trạng cong vẹo cột sống ở trẻ em, bác sĩ thường sẽ chỉ định trẻ làm các xét nghiệm hình ảnh cận lâm sàng như X-quang, MRI.

Nếu không được điều trị, trẻ mắc bệnh cong vẹo cột sống có thể bị gù, vẹo người… gây ảnh hưởng đến sức khỏe (đau thắt lưng mạn tính, thoái hóa cột sống sớm, xẹp đốt sống), gây mất thẩm mỹ, tác động xấu đến tâm lý. Ngoài ra, tình trạng cong vẹo cột sống còn ảnh hưởng đến chức năng tim phổi, gây biến dạng tim phổi, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của nữ giới khi trưởng thành.

Tùy theo tình trạng trẻ bị biến dạng ít hay nhiều, bác sĩ sẽ đề ra phác đồ điều trị cụ thể. Khi tình trạng biến dạng tiến triển đến mức đáng kể, bác sĩ có thể chỉ định cho bé đeo nẹp để điều chỉnh cột sống. Với các trường hợp cột sống bị biến dạng nghiêm trọng, phương pháp phẫu thuật được coi là lựa chọn tối ưu nhất để điều trị tình trạng này. Trẻ bị chân cao chân thấp do cong vẹo cột sống gây ra có thể dùng giày chỉnh hình để điều trị.

Nguyên nhân cong vẹo cột sống?


Quan niệm cho rằng nguyên nhân vẹo cột sống là do đứng hay ngồi tư thế xấu, xách nặng một bên, do ngủ co quắp, thiếu sinh tố hay thiếu canxi thật ra không đúng.

Vẹo cột sống trẻ em có nhiều nguyên nhân: Bẩm sinh, vẹo cột sống kèm theo các bệnh lý tuỷ sống hay thần kinh cơ (bướu đa sợi thần kinh, hội chứng Marfan, rỗng tuỷ sống, thoát vị hạnh nhân tiểu não, di chứng sốt bại liệt…) hay không rõ nguyên nhân (vô căn).

Vẹo cột sống vô căn chiếm đa số (60 – 70%). Hầu hết trẻ dưới ba tuổi bị vẹo cột sống bẩm sinh hay liên quan bệnh lý, khó điều trị và tiên lượng nặng. Khoảng 20% trẻ vẹo cột sống thiếu nhi (từ 3 – 10 tuổi) có nguyên nhân bệnh lý kèm theo, đa số không rõ nguyên nhân. Sau 10 tuổi, trẻ vẹo cột sống vô căn diễn biến nặng cho đến khi dừng lại ở độ tuổi trưởng thành.

Vẹo cột sống người lớn là hậu quả của vẹo cột sống lúc nhỏ bị quên lãng hoặc vô căn hay bệnh lý. Nhìn chung, 80% dị tật cột sống có nguyên nhân vô căn. Khoảng 30% có tiền căn gia đình liên quan đến di truyền. Càng nhỏ tuổi nguyên nhân bệnh lý càng nhiều, càng khó điều trị. Vẹo cột sống ở tuổi thanh thiếu niên thường là vô căn, việc điều trị thường cho kết quả và dự hậu tốt dù bảo tồn (giữa 20 – 40 độ vẹo) hay phẫu thuật (trên 40 độ vẹo). Tuy nhiên, bệnh nhân càng đến trễ, vẹo càng nặng thì phẫu thuật càng nguy hiểm, dự hậu càng dè dặt.
Vì vậy, các bậc cha mẹ phải hết sức quan tâm đến cột sống của con em. Các trẻ cũng chớ e dè hỏi ý kiến cha mẹ, thầy cô khi thấy mình mặc áo dài không đẹp do gù nhô xương sườn, hay thấy sự bất thường ở vai (vai này thấp hơn vai kia).