Quốc khánh mùng 2/9 là gì và ý nghĩa của nó

Là công dân của nước Việt Nam. ai trong mỗi chúng ta đều biết đến ngày mùng 2/9. Ngày tết độc lập. Cả nước hân hoan chào mừng và nhớ đến ngày này.Ngày bác Hồ chúng ta đọc bản tuyên ngôn độc lập. Đất nước ta bước vào kỉ nguyên mới. Nhưng ít ai biết được ý nghĩa của nó.Để giúp các bạn có thể nắm bắt và hiểu rõ hơn về ngày quốc khánh của đất nước, các bạn hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua những thông tin ngay dưới đây nhé

Ngày quốc khánh là ngày gì?

Chúng ta vừa trải qua những ngày nghỉ lễ Quốc khánh. Có ngày này là bởi vào ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Ðình (Hà Nội) thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Từ đó, ngày 2.9 hàng năm trở thành ngày Quốc khánh của nước ta.

Vì sự kiện trên, và thực tiễn nguồn gốc của ngày quốc khánh ở nhiều nước (cũng giống như Việt Nam), không ít người nhầm “quốc khánh” là “ngày nước được thành lập”, hay “ngày khai sinh ra nước”, “ngày nước ra đời”...

Thật ra, “quốc khánh” không liên quan gì đến nét nghĩa “ra đời, thành lập, khai sinh” cả. Vấn đề nằm ở chữ “khánh”. “Khánh” là một yếu tố Hán Việt. Trong tiếng Hán, chữ “khánh” thuộc bộ tâm (quy định nét nghĩa liên quan đến tâm trạng, cảm xúc, tính cách), nghĩa gốc là “mừng” rồi chuyển loại mang nghĩa “chúc mừng” (động từ) và “việc mừng, lễ mừng” (danh từ). Cho nên, ta có: khánh hỷ là “vui mừng”, khánh thọ là “mừng thọ”, khánh thành là “mừng [vì đã] hoàn thành”, khánh chúc, khánh hạ  là “chúc mừng”, khánh tiết là “lễ mừng”...

Quốc khánh có nghĩa là “việc mừng, lễ mừng của nước”. Việc “khai sinh ra một nước” có thể xem là “việc mừng” lớn nhất của nước đó nên mới được gọi là “quốc khánh”. Cho nên, Từ điển tiếng Việt mới định nghĩa “quốc khánh” là “lễ chính thức lớn nhất của một nước (thường kỷ niệm ngày có sự kiện được coi là trọng đại nhất trong lịch sử)” [Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm Từ điển ngôn ngữ xuất bản, Hà Nội, 1992, tr.799]. Như vậy, nghĩa gốc của từ “quốc khánh” là “lễ mừng của nước”, rồi hoán dụ thu hẹp thành nghĩa “lễ kỷ niệm sự kiện trọng đại nhất trong lịch sử một nước”. Còn nét nghĩa “sự ra đời, sự thành lập của một nước” là do sự trùng hợp thực tiễn mà thôi.

Trở lại với chữ “khánh”. Chữ này có nghĩa “mừng vui”, mang sắc thái nghĩa dương tính, được xem là “mỹ tự”. Cho nên, chữ này được dùng nhiều trong việc đặt tên người, tên đất. Chẳng hạn, ở Bình Ðịnh ta có địa danh xã Nhơn Khánh (TX An Nhơn) có nghĩa tạm hiểu là “nhân hòa và mừng vui”. Hoặc như, ở TP Quy Nhơn có chùa Long Khánh có nghĩa là “hưng thịnh và mừng vui”. Ðịa danh tỉnh Khánh Hòa cũng dùng chữ “khánh” này, với nghĩa “mừng vui và thuận hòa”. Vị hoàng đế thứ 9 của triều Nguyễn là Nguyễn Phúc Ưng Kỷ. Khi lên ngôi, ông lấy niên hiệu là Ðồng Khánh với hàm nghĩa là “cùng chung niềm vui mừng”.         

Ý NGHĨA LỊCH SỬ NGÀY QUỐC KHÁNH 2/9/1945

Nhắc đến ngày lễ Quốc Khánh 2/9 trong trái tim mỗi người Việt Nam lại bùng lên những cảm xúc thiêng liêng, xúc động, niềm tin kiêu hãnh và lòng tự hào dân tộc. Đây cũng là dịp để bất cứ người dân Việt Nam, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài cùng hướng về Tổ quốc, cùng nhau tưởng nhớ những người anh hùng đã hy sinh bất khuất và biết ơn công lao của Bác Hồ vĩ đại – vị anh hùng dân tộc. Nhân dịp ngày lễ Quốc Khánh đang đến gần, chúng ta cùng nhau ôn lại những ý nghĩa lịch sử của ngày lễ trọng đại này.

Đã là người Việt Nam thì ngày mùng 2/9 mang một ý nghĩa không thể nào quên, chính ngày 2/9/1945 đã đi vào lịch sử, là ngày độc lập dân tộc chấm dứt chế độ thực dân phong kiến ở nước ta, đồng thời mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tại quảng trường Ba Đình lịch sử trước hơn 50 vạn dân, chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt chính phủ lâm thời đọc Bản tuyên ngôn độc lập tuyên bố với nhân dân Việt Nam và thế giới: khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với ý nghĩa lịch sử trọng đại này ngày mùng 2/9 đã được lấy làm ngày Quốc Khánh của Việt Nam.

Ngày 2/9 như một mốc son chói lọi, như một “chứng nhân lịch sử” dù thời gian đã trôi qua nhưng những chiến tích vẻ vang của dân tộc vẫn còn mãi với thời gian, với bản tuyên ngôn bất hủ mà các thế hệ sẽ không thể nào quên.

Ngày Quốc Khánh mùng 2/9 không chỉ có ý nghĩa lịch sử to lớn mà còn như lời nhắc nhở thế hệ trẻ ngày nay khi sinh ra trong hòa bình, không phải chứng kiến cảnh đất nước chia cắt, súng đạn và chiến tranh, phải luôn luôn học tập, rèn luyện sao cho xứng đáng với câu nói của chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, cũng như giáo dục lòng tự hào về truyền thống vẻ vang của ông cha ta, đã kiên cường bất khuất đánh đuổi quân xâm lược bảo vệ Tổ quốc.

Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 đã trở thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện lời thề thiêng liêng trong ngày Lễ độc lập: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Với tinh thần đó mà cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong suốt hơn 70 năm qua.