Thai nhi ở giai đoạn 35 tuần tuổi như thế nào?

Ở giai đoạn 35 tuần tuổi là giai đoạn cận kề của việc bé đã hoàn thiện cơ thể tốt nhất cả thể chất. Vậy ở giai đoạn này thai nhi ra sao các mẹ cùng tìm hiểu để nắm vững nhé.

Cuộc sống mẹ bầu 35 tuần thay đổi thế nào?

Ở thời điểm này, cân nặng và chiều cao của thai nhi phát triển, điều đó đồng nghĩa với việc tử cung của mẹ cũng sẽ lớn dần đáng kể. Nếu có thể nhìn trực tiếp bên trong tử cung, bạn sẽ nhận thấy giờ đây phần lớn không gian trong tử cung là để dành chứa em bé còn thể tích nước ối đã giảm đi nhiều.

Tử cung của mẹ căng lên như một quả bóng và có xu hướng chèn lên các cơ quan nội tạng khác, đó là lý do tại sao bạn có thể phải đi tiểu thường xuyên hơn và có thể bị ợ nóng, đau dạ dày và gặp phải nhiều hiện tượng khác. Nếu bạn không vật lộn với những phiền toái này thì bạn là một trong số ít người may mắn khi mang bầu.

Bắt đầu từ thời điểm này trở đi, mẹ bầu nên đặc biệt chú ý đến tình trạng sức khỏe cũng như mọi dấu hiệu xảy ra đối với cơ thể. Khoảng thời gian từ tuần 35 đến 37, bạn nên đến bệnh viện để các bác sĩ lấy mẫu âm đạo nhằm thực hiện xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B (GBS). Nhiễm GBS trong thai kỳ có thể gây sinh non, nhiễm trùng ối, nhiễm trùng hậu sản ở mẹ. Đặc biệt, nếu mẹ nhiễm GBS trong thai kỳ, trẻ sinh ra thường bị nhẹ cân và có nguy cơ cao bị nhiễm trùng sơ sinh.

 

Liên cầu khuẩn nhóm B thường không gây nguy hiểm cho người lớn nhưng nếu thai phụ dương tính với kết quả kiểm tra và truyền vi khuẩn sang cho con trong lúc sinh (sinh con qua ngả âm đạo) thì có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như khiến bé bị viêm phổi, viêm màng não hoặc nhiễm trùng máu.

Trên thực tế, có khoảng 10-30% phụ nữ mang thai nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B nhưng lại không hề biết đến điều đó. Nếu bạn là người mang GBS thì bạn sẽ được tiêm kháng sinh trong thời gian chuyển dạ, nhằm làm giảm nguy cơ nhiễm trùng cho bé.