Uống nước đúng cách cho người già

Người già uống nước như thế nào cho đúng và đủ cho sức khỏe. Dưới đây là lời khuyên của bác sĩ. Các bạn nên hướng dẫn cha mẹ uống nhé.

Theo PGS.TS Trần Đình Toán, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Lâm sàng, đối với người bình thường trong một ngày nước được đưa vào cơ thể khoảng 2,5 lít, trong đó nước uống khoảng 1 – 1,5 lít.

Nước từ thức ăn khoảng 1 – 1,2 lít, nước sinh ra từ các phản ứng oxy hóa trong cơ thể 200 – 300 ml.

Và lượng ước được thải ra ngoài cũng khoảng 2,5 lít/ngày, bao gồm: nước tiểu 1 – 1,5 lít, nước mất qua hơi thở 200 – 400 ml, nước bốc hơi qua da 250 – 600 ml, nước qua phân 100 - 200 ml.

Vào mùa hè, lao động thể lực trong điều kiện nóng bức, một số dạng bệnh nhân (sốt, bỏng, phù thận, suy tim…) lượng nước đưa vào hoặc thải ra có sự thay đổi.

Người cao tuổi không nên uống quá nhiều nước như người lao động bình thường. Ảnh minh họa

 

 

Người cao tuổi không nên uống quá nhiều nước như người lao động bình thường. Ảnh minh họa

Đối với nguời già, cha ông ta đã có câu "già có bát canh như trẻ được manh áo mới”. Câu nói thể hiện người có tuổi rất cần có một chế độ ăn nhẹ nhàng, có đủ rau xanh và nước.

Mặc dù chưa có nghiên cứu cụ thể là người già nên uống bao nhiêu nước trong ngày. Tuy nhiên, người cao tuổi không nên uống quá nhiều nước như người lao động bình thường. Nhưng cũng không nên quá dè dặt với nước.

Đặc biệt, trong mỗi bữa cơm ở gia đình có ngươi cao tuổi, người nội trợ cần lưu ý luôn luôn phải có bát canh, tránh tình trạng ăn uống khô khan sẽ khiến người già khó nuốt.

Khi ăn uống, người cao tuổi cũng nên lưu ý chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, nhai chậm, kỹ thức ăn. Nên ăn các món ăn mềm, thái nhỏ hầm kỹ, các món canh chất lượng dễ tiêu.

Sau khi ăn xong, người già nên ngồi hoặc đi lại nhẹ nhàng trong vòng 30 phút để quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra dễ dàng hơn.

Đồng thời, người cao tuổi cũng nên lưu ý giảm bớt lượng thịt, thay bằng cá và nên bổ sung các loại thức ăn có nguồn gốc thực vật như: Vừng, lạc, đậu đỗ, rau xanh, quả chín…